“Chữ Việt không dấu” có là chữ Việt?

Kỷ nguyên công nghệ số đang biến đổi cả cách sống, cách tư duy của chúng ta, đôi khi theo hướng không mong muốn. “Chữ Việt không dấu” đang được hơn 3 triệu người dùng ĐTDĐ dùng để giao tiếp là một ví dụ điển hình. Liệu chúng ta có cần thống nhất chuẩn chữ Việt trong ĐTDĐ? Bài viết cung cấp ý kiến của các chuyên gia quanh vấn đề này

Kỷ nguyên công nghệ số đang biến đổi cả cách sống, cách tư duy của chúng ta, đôi khi theo hướng không mong muốn. ‘Chữ Việt không dấu’ là một ví dụ điển hình. Mặc dù đây là giải pháp được nhiều người chấp nhận và khá phổ biến trong các giao dịch điện tử (e-mail, tin nhắn…) nhưng nó lại tác động đến sự trong sáng của tiếng Việt. Hiện tại chữ Việt không dấu đang được hơn 3 triệu người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) dùng để giao tiếp, và cũng là kiểu chữ mà các nhà cung cấp dịch vụ (NCCDV) ĐTDĐ dùng cho các trang WAP (website dùng cho ĐTDĐ) và trong nhiều ứng dụng của ĐTDĐ như từ điển, truyện trực tuyến, karaoke, đố vui có thưởng v.v…

Nhiều câu chuyện vui xung quanh những tin nhắn ngắn SMS trên ĐTDĐ dược gửi bằng chữ Việt không dấu như ‘Em dang o truong cho anh toi’ (Em đang ở trường chờ anh tới) hay ‘Anh qua doi, em ve ngay’ (Anh quá đói, em về ngay)… Bất kể ai dùng ĐTDĐ ngày nay cũng phải quen với cách gửi SMS, tin nhắn đa phương tiện MMS, chat hay e-mail bằng chữ Việt không dấu, đồng thời theo cách đó họ cũng phải quen với cách đọc và ‘đoán’ chữ Việt không dấu. Chính từ sự phải đoán này mà những thông điệp dở khóc dở cười như trên không còn là quá hiếm. Thanh niên có thể dễ đoán nhận, nhưng với những người mắt kém, cao tuổi thì rất khó khăn.

VN mới có vài WAP site nhưng tất cả chúng đều được viết bằng chữ Việt không dấu (cũng có phiên bản chữ Việt có dấu nhưng chỉ một vài kiểu ĐTDĐ đọc được). Người dùng truy cập WAP site để đọc thông tin, giải trí, tham gia các diễn đàn… chỉ có thể đọc tiếng Anh hoặc tiếng Việt không dấu. Vì vậy nhiều người không hứng thú truy cập WAP – một kênh thông tin hữu ích.

Vì sao có tình trạng nói trên? Tại thị trường VN, các hãng chỉ chú ý Việt hóa menu sử dụng. Một số tên tuổi lớn như Nokia, Samsung, Siemens, Sony Ericsson… đã chú ý đưa kiểu chữ tiếng Việt vào việc gửi tin nhắn và đọc thông tin liên quan  nhưng cũng như tình trạng chữ tiếng Việt trên máy tính cách đây vài năm, mỗi hãng phát triển theo một cách riêng và hoàn toàn tự phát, chưa có chuẩn thống nhất nào. Vì thế tin nhắn tiếng Việt soạn trên máy Nokia, gửi đến máy Samsung chưa chắc đã đọc được và ngược lại. Hơn nữa kiểu chữ và bộ gõ chữ Việt trong ĐTDĐ cũng chưa thực sự hoàn chỉnh.

Trong khi đó, với sự tiến bộ về công nghệ, ĐTDĐ càng ngày càng thực hiện nhiều chức năng, tiến dần đến việc thay thế một thiết bị trợ giúp cá nhân số (PDA) thậm chí là cả máy tính cá nhân (PC). Kiểu chữ, bộ gõ tiếng Việt hoàn chỉnh và thống nhất đang là vấn đề mà những người có trách nhiệm cần suy nghĩ và vào cuộc.

Ý kiến người trong cuộc

Ông Ngô Diên Hy, phó giám đốc Trung Tâm Dịch Vụ Khách Hàng, công ty Dịch Vụ Viễn Thông GPC – Vinaphone, NCCDV ĐTDĐ lớn nhất VN.

Dưới 30% ĐTDĐ tại VN đọc được WAP tiếng Việt

Theo tiêu chuẩn của 3GPP (3rd Generation Partnership Project), các máy di động truy nhập dịch vụ WAP, MMS phải gửi profile (hồ sơ) của máy đến NCCDV để họ biết những chức năng mà máy có thể hỗ trợ, kể cả loại kiểu chữ tốt nhất để hiển thị. Trên cơ sở đó Vinaphone đã cung cấp vài dịch vụ sử dụng chữ Việt có dấu cho những máy có hỗ trợ kiểu chữ Unicode UTF-8 nhưng chỉ đáp ứng được dưới 30% máy di động có trên thị trường VN. Cần nói thêm là không phải tất cả máy hỗ trợ UTF-8 đều đọc được chữ Việt có dấu từ dịch vụ của Vinaphone. Trường hợp này, chúng tôi phải chấp nhận hiển thị chữ Việt không dấu. Hiện chúng tôi đã xây dựng xong một cơ sở dữ liệu tin tức trên WAP bằng chữ Việt có dấu nhưng vì chưa kiểm tra được với tất cả các loại máy trên thị trường nên chưa thể cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm xây dựng chuẩn chữ Việt chung trên ĐTDĐ. Khi đó, NCCDV hay nhà cung cấp nội dung trên Internet dễ dàng mang đến cho khách hàng những dịch vụ mang bản sắc riêng của VN. Hơn nữa chuẩn chữ Việt có dấu cũng sẽ là thế mạnh của máy chính hãng so với máy nhập lậu. Trong tương lai gần, khi các NCCDV ở VN giới thiệu dịch vụ 3G và với sự bùng nổ các dịch vụ cung cấp thông tin, thì chuẩn chữ Việt trên ĐTDĐ là cực kỳ cấp bách.

Ông Đặng Minh Tuấn, trưởng nhóm Vietkey Group

Cần sự đồng thuận

Đây là thời điểm bức xúc nhất của vấn đề tiếng Việt trên ĐTDĐ vì ngày càng có nhiều dịch vụ gia tăng cho ĐTDĐ. Xu hướng tích hợp PDA trên ĐTDĐ (có hệ điều hành Symbian, Palm, PocketPC…) làm ĐTDĐ có chức năng như một PC, do vậy rất cần có chữ Việt hỗ trợ cho nhu cầu tra cứu thông tin, đọc ebook, giao tiếp dữ liệu text… Tương tự  thời kỳ trước của PC, đang có nhiều chuẩn tiếng Việt trên ĐTDĐ, thậm chí cùng một thương hiệu nhưng một số kiểu lại khác chuẩn do các hãng tự phát triển chứ chưa có sự tham gia của các nhà phát triển ứng dụng trong nước.

Đưa tiếng Việt có dấu lên ĐTDĐ không khó. Tuy nhiên để thống nhất theo một chuẩn chung nhằm giúp người dùng dù sử dụng ĐTDĐ loại nào cũng có thể đọc và viết tiếng Việt có dấu thì không dễ. Vấn đề ở đây là chúng ta cần có sự đồng thuận của các hãng sản xuất trong việc cung cấp nền tảng kỹ thuật,  cài đặt và đầu tư.

Ông Đỗ Văn Quất – Giám đốc Khối Chiến Lược S-Fone (nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ CDMA đầu tiên ở VN)

Cần cơ quan quản lý thống nhất

Chúng tôi rất vui khi biết tạp chí TGVT đặt vấn đề thống nhất chuẩn kiểu chữ tiếng Việt trên ĐTDĐ. Vì nếu thống nhất được thì NCCDV có nhiều điều kiện triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng hơn. Trên thực tế, dịch vụ S-WAP của S-Fone có rất nhiều nội dung phong phú như: Tin tức, Karaoke, ColorRing, Ringtone…, nhưng tất cả hiện chỉ được hiển thị bằng chữ Việt không dấu do chưa có một kiểu chữ tiếng Việt thống nhất giữa các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối (TBĐC). Điều này gây bất tiện cho người dùng, mặc dù S-Fone đã chuẩn bị sẵn sàng cho những nội dung S-WAP bằng kiểu tiếng Việt có dấu.

Nên có một cơ quan quản lý Nhà Nước có trách nhiệm chủ trì, chẳng hạn quy định cho các nhà cung cấp TBĐC phải thống nhất kiểu chữ tiếng Việt trên sản phẩm của họ thì mới hợp chuẩn thị trường VN. Chỉ các nhà sản xuất TBĐC, chứ không phải các NCCDV, khai thác mạng, có thể thực hiện việc này. Và mỗi nhà sản xuất đều có thể cài kiểu chữ tiếng Việt theo ‘style’ của riêng họ, nhưng thật khó để họ có thể ngồi lại với nhau cùng nghiên cứu thống nhất một kiểu chữ tiếng Việt chuẩn chung cho tất cả mọi loại máy của từng hãng.